Sự hình thành chiến lược "Ngăn chặn làn sóng đỏ" Can thiệp của Hoa Kỳ trong Chiến tranh Việt Nam

Giai đoạn 1945–1947

Bức điện Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Tổng thống Mỹ Harry Truman kêu gọi sự ủng hộ của Mỹ nhưng không được trả lời

Khi Chiến tranh thế giới thứ hai bắt đầu, ngày 14 tháng 8 năm 1941 Tổng thống Mỹ Franklin D. Roosevelt và Thủ tướng Anh Winston S. Churchill cùng nhau ra Tuyên bố chung Hiến chương Đại Tây Dương. Điều 3 của Hiến chương này nói rằng Anh và Mỹ tôn trọng quyền của tất cả mọi dân tộc được chọn hình thức chính quyền lãnh đạo họ, Anh và Mỹ cũng mong muốn nhìn thấy chủ quyền và các hình thức nhà nước tự trị của các dân tộc trước kia bị người khác dùng vũ lực tước mất được tái lập lại.[1][2]

Tuy nhiên, sau khi Thế chiến 2 kết thúc, quân Anh được cử tới Việt Nam giải giáp quân Nhật đã đồng thời trợ giúp đồng minh là Pháp tái thiết lập chế độ thực dân tại đây. Ngày 23 tháng 9 năm 1945, quân Pháp được quân Anh giúp sức đã nổ súng tấn công Sài Gòn, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam lần thứ hai.[3]

Về phía Mỹ, sau chiến tranh thế giới thứ II, một mặt nước này ủng hộ khái niệm quyền dân tộc tự quyết, mặt khác nước này cũng có quan hệ chặt chẽ với các đồng minh châu Âu của mình, những nước đã có những tuyên bố đế quốc đối với những thuộc địa cũ của họ. Chiến tranh Lạnh chỉ làm phức tạp thêm vị thế của Mỹ, cũng như việc Mỹ ủng hộ quá trình phi thực dân hóa được bù lại bằng mối quan tâm của Mỹ đối với sự lan rộng của chủ nghĩa cộng sản và những tham vọng chiến lược của Liên Xô tại châu Âu. Một số đồng minh NATO khẳng định rằng thuộc địa cung cấp cho họ sức mạnh kinh tế và quân sự mà nếu không có nó thì liên minh phương Tây sẽ tan rã. Gần như tất cả các đồng minh châu Âu của Mỹ đều tin rằng thuộc địa sẽ cung cấp sự kết hợp giữa nguyên liệu và thị trường được bảo vệ đối với hàng hóa thành phẩm, từ đó sẽ gắn kết các thuộc địa với châu Âu.[4]

Năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho Tổng thống Mỹ Harry Truman kêu gọi sự ủng hộ của Mỹ với nền độc lập non trẻ của Việt Nam, nhưng đã không được hồi đáp. Nhiều nhà sử học cho rằng Hoa Kỳ đã bỏ lỡ cơ hội để quan hệ hữu nghị với Việt Nam, và đây là bước ngoặt đầu tiên dẫn tới cuộc chiến tranh mà Mỹ tiến hành tại Việt Nam.[5]

Những năm 1946 và 1947, Mỹ không ngăn cản Pháp mở rộng cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, nhưng cũng không trực tiếp viện trợ cho các lực lượng viễn chinh Pháp ở Đông Dương. Mãi đến năm 1947, khi Mỹ viện trợ cho nước Pháp 3 tỷ đôla theo kế hoạch Marshall, nhờ đó Pháp mới đỡ khó khăn hơn trong việc tiếp tục chiến tranh ở Việt Nam.

Lúc này, tuy Mỹ có chú ý đến "tính chất cộng sản" của Chính phủ kháng chiến của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhưng họ lại đang bị cuốn hút vào những vấn đề lớn của châu Âu. Việc chiếm đóng và xây dựng lại Nhật Bản, sự tiến triển của các lực lượng cách mạng trong cuộc nội chiến Trung Quốc, sự phát triển mạnh của phong trào đòi độc lập và giải phóng dân tộc ở các khu vực thuộc địa rộng lớn, kể cả ở Đông Nam Á làm cho Mỹ lúc này muốn Pháp giải quyết nhanh chóng cuộc chiến tranh Đông Dương, kể cả bằng thương lượng. Tóm lại, cho đến những năm 1946–1947, Mỹ chưa quan tâm nhiều đến vấn đề Việt Nam và Đông Dương.

Giai đoạn 1948–1952

Để tồn tại như một siêu cường hàng đầu thế giới không phải chỉ có sức mạnh quân sự, kinh tế và chính trị, mà còn cần phải có một chiến lược toàn cầu phù hợp, một chính sách gây ảnh hưởng khôn khéo.

Sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, sự suy yếu nghiêm trọng của các cường quốc châu Âu như Anh, Pháp và đặc biệt là Đức – quốc gia bị chiến tranh tàn phá nặng nề, không được tái vũ trang và mất nhiều nhân tài do những nhân tài này sợ phải ra Tòa án Công lý Quốc tế vì những tội ác chống lại loài người nên đã di cư sang Hoa Kỳ hoặc Liên Xô – đã tạo ra khoảng trống quyền lực khổng lồ trên thế giới. Cả Liên XôHoa Kỳ đều dựa vào khoảng trống này cũng như dựa vào sức sản xuất to lớn của họ để trở thành những siêu cường.

Do những yêu cầu cấp thiết trên chiến trường, cả nền sản xuất Hoa KỳLiên Xô đều phải hoạt động hết công suất. Hết chiến tranh, cả hai siêu cường mới đều phải đối mặt việc sức sản xuất khổng lồ của nền kinh tế có thể gây ra một cuộc khủng hoảng thừa tương tự Khủng hoàng kinh tế 1929–1933. Bên cạnh đó, họ đều phải đối mặt với tình trạng thất nghiệp có thể tăng chóng mặt do lượng quân nhân giải ngũ.

Để đối phó với tình trạng đó, cả Liên XôHoa Kỳ đều có chiến lược cho mình. Điểm khác nằm ở chỗ chiến lược của Hoa Kỳ ở tầm toàn cầu còn chiến lược của Liên Xô ở tầm châu Âu. Hoa Kỳ tin vào thuyết Vận mệnh hiển nhiên, theo đó nước này "có sứ mệnh lãnh đạo toàn cầu", trong khi Liên Xô thì muốn truyền bá chủ nghĩa cộng sản ra các nước khác nhưng Stalin nhận ra xuất phát điểm thấp hơn Hoa Kỳ nên phải chấp nhận rằng Liên Xô cần có một chiến lược tầm châu Âu trước khi có 1 chiến lược tầm toàn cầu để cạnh tranh với Hoa Kỳ. Do chiến lược của Hoa Kỳ ở mức toàn cầu nên sự can thiệp vào Việt Nam là nằm trong toan tính của Hoa Kỳ còn do chiến lược của Liên Xô là tránh đối đầu với Hoa Kỳ ở tầm quốc tế trong giai đoạn đó nên Liên Xô đã không quan tâm tới tình hình Việt Nam. Khoảng trống ở Việt Nam và châu Á do Liên Xô tạo ra nhanh chóng được Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa của Mao Trạch Đông tận dụng. Tuy nhiên do những sai lầm trong Cách mạng Văn hóa cũng như xuất phát điểm quá thấp nên Trung Quốc vẫn chưa thể cạnh tranh với Hoa Kỳ ở châu Á – Thái Bình Dương.

Tổng thống Mỹ Harry S. Truman, người mở đầu sự can thiệp của Mỹ vào Việt Nam qua việc viện trợ chiến phí cho Pháp

Chiến lược toàn cầu của Mỹ gồm có chiến lược chung (grand strategy) có khi còn gọi là chiến lược tổng quát, và chiến lược quân sự toàn cầu. Chiến lược chung bao gồm những quan điểm, tư tưởng và phương hướng chỉ đạo chiến lược cho tất cả các mặt chính trị, quân sự, kinh tế ngoại giao v.v... và thường được mang tên là học thuyết hoặc chủ nghĩa. Kèm theo là một chiến lược quân sự toàn cầu.

Ra đời trong bối cảnh quốc tế có nhiều biến động, Liên Xô vừa chiến thắng phát xít, uy tín quốc tế đang lên cao, tuy bị tàn phá nhiều, nhưng vẫn đang nắm ưu thế quân sự về vũ khí thông thường. Các nước xã hội chủ nghĩa lần lượt ra đời được Liên Xô ủng hộ và bắt đầu hình thành một hệ thống thế giới. Phong trào cộng sản và công nhân ở các nước tư bản đang trên đà phát triển. Phong trào giải phóng dân tộc lên cao. Trong lúc đó, các trung tâm tư bản chủ yếu ở châu Âu và Nhật chưa được củng cố, phục hồi, tập hợp lại. Bối cảnh lịch sử đó đặt chiến lược toàn cầu Mỹ xuất phát từ một thế phòng ngự là ngăn chặn sự lan rộng của chủ nghĩa cộng sản. Đó cũng là tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt trong chiến lược quân sự toàn cầu của Mỹ.

Do nền tảng tư tưởng Hoa Kỳ dựa chủ yếu vào tư tưởng kinh tế tự do của Adam Smith, theo đó, nền kinh tế thị trường tự vận động, tự điều chỉnh bởi bàn tay vô hình, không cần đến sự can thiệp của nhà nước. Trong khi đó Liên Xô áp dụng chủ nghĩa cộng sản với nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung trong đó nhà nước chỉ huy mọi ngành sản xuất và dịch vụ. Sự xuất hiện và lớn mạnh của Liên Xô đã khiến Hoa Kỳ có một đối thủ tương xứng để đối đầu. Hoa Kỳ cảm thấy phải ngăn chặn sự lan rộng của chủ nghĩa cộng sản để duy trì được uy thế của nước này trên thế giới và để chủ nghĩa cộng sản không chiếm ưu thế tại Hoa Kỳ. Hoa Kỳ thực hiện chống Cộng và chống các phong trào giải phóng dân tộc được Liên Xô ủng hộ[6]. Liên Xô trở thành đối thủ chính của Hoa Kỳ. Sự tranh giành ảnh hưởng của nhau tại châu Âu cũng như việc Hoa Kỳ coi Stalin như một bản sao của Hitler trong khi Liên Xô coi Hoa Kỳ là một nước tư bản đế quốc có cùng bản chất với phát xít (Liên Xô định nghĩa chủ nghĩa phát xít là một hình thái cực đoan và phản động của chủ nghĩa tư bản đế quốc với những tư tưởng chống Cộng và phân biệt chủng tộc) khiến cho sự nghi kỵ giữa đôi bên không ngừng. Liên Xô sử dụng tư tưởng chống tư bản, ủng hộ giải phóng dân tộc để đối đầu với Hoa Kỳ trong khi Hoa Kỳ sử dụng tư tưởng chống Cộng để đối đầu với Liên Xô. Trong nhiều thập kỷ sau đó của Chiến tranh Lạnh, giới hoạch định chính sách của Hoa Kỳ luôn tranh cãi rằng về bản chất họ đang "chống Cộng" hay thực ra là đang chống Liên Xô và các đồng minh của nước này[7]. Đặc biệt khi Hoa Kỳ bắt tay với Trung Quốc từ năm 1972 để chống lại khối các nước Xã hội Chủ nghĩa do Liên Xô lãnh đạo thì tranh cãi này đạt tới đỉnh điểm, vì chính Trung Quốc cũng là một nước ủng hộ chủ nghĩa cộng sản.[8]

Sau khi trúng cử vào Nhà Trắng lần thứ hai, Tổng thống Mỹ Truman đề ra học thuyết mang tên mình. Học thuyết Truman coi Liên Xô là đối tượng chủ yếu và lập luận rằng "một số phong trào cách mạng giải phóng dân tộc cũng là tay sai của cộng sản do Moskva điều khiển, sử dụng chiêu bài dân tộc để bành trướng chủ nghĩa cộng sản". Do vậy, chiến lược của Mỹ là phải bao vây và ngăn chặn Liên Xô và phe xã hội chủ nghĩa, đồng thời phải chống những phong trào giải phóng dân tộc do những người cộng sản lãnh đạo và ủng hộ những phong trào dân tộc không theo chủ nghĩa cộng sản như các phong trào ở Nam Á, Trung Đông, Đông Nam Á, Đông Bắc Á[9]... Để củng cố lực lượng đồng minh của Mỹ, học thuyết Truman chấp nhận kế hoạch Marshall ở châu Âu. Kế hoạch Marshall do Marshall, quốc vụ khanh Mỹ nêu ra ngày 5–6–1947, nhằm khôi phục lại châu Âu bằng viện trợ Mỹ. Các nước Anh, Pháp, Bỉ, Áo, Hà Lan, Luxembourg, Đan Mạch, Na Uy, Thụy Điển, Iceland, Thụy Sĩ, Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ, Ý, Bồ Đào Nha, Tây Đức… đã tiếp nhận với điều kiện dành cho Mỹ những đặc quyền kinh tế theo yêu cầu của Mỹ, ủng hộ chiến lược ngăn chặn chủ nghĩa cộng sản của Mỹ. Kế hoạch Marshall đã vừa giúp Hoa Kỳ không bị rơi vào một cuộc khủng hoàng thừa như sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, vừa giúp cho Hoa Kỳ tập hợp được thêm nhiều đồng minh Tây Âu vốn không đủ sức kháng cự nếu bị Liên Xô tấn công.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Can thiệp của Hoa Kỳ trong Chiến tranh Việt Nam http://avalon.law.yale.edu/wwii/atlantic.asp http://baochi.nlv.gov.vn/baochi?a=d&d=WODk19460420... http://history.state.gov/milestones/1945-1952/Asia... http://vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/133287/doc-thu-c... http://www.english.illinois.edu/maps/mccarthy/schr... http://www.mtholyoke.edu/acad/intrel/pentagon/pent... http://www.drugtext.org/The-Politics-of-Heroin-in-... http://www.youtube.com/watch?v=5LctoUV-tag http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-VN/89/194762/print/... http://www.archive.org/stream/causesoriginsles00un...